Trào lưu GameFi là kẻ thù của người chơi điện tử

Những game thủ trung thành kịch liệt phản đối kế hoạch tích hợp NFT, blockchain vào trò chơi của nhà phát hành.

Sau sự thành công của các dự án GameFi với mức vốn hóa đạt hàng tỷ USD, nhiều công ty trò chơi điện tử kỳ cựu quyết tâm tham gia vào lĩnh vực mới. Tuy nhiên, những tiền lệ xấu khiến người chơi không tin tưởng vào yếu tố NFT trong game của GSC Game World, Ubisoft hay Square Enix.

Động thái quyết liệt của cộng đồng game thủ khiến các nhà phát hành “chùn chân” trước việc tích hợp blockchain.

Game thủ phản ứng quyết liệt với GameFi

Christian Lantz là một game thủ kỳ cựu của trò chơi STALKER. Đó là kiểu game bắn súng góc nhìn thứ nhất lấy bối cảnh hậu tận thế ở Ukraine, từng nổi tiếng một thời gian dài. Khi Lantz nghe tin phiên bản mới của trò chơi sắp được phát hành, cậu đã sẵn sàng để mua nó.

ssafdfgf[1].jpg

STALKER 2 bị cộng đồng phản ứng quyết liệt vì tích hợp NFT. Ảnh: GSC.​

Phía GSC Game World, công ty Ukraine đứng sau STALKER, cho biết sẽ tích hợp hợp NFT vào hậu bản của trò chơi. Theo GSC, người chơi có thể mua bán vật phẩm NFT như quần áo cho nhân vật của game. Công ty cho biết đây là “bước chuyển đổi” đến thời kỳ metaverse.

Tuy nhiên, Lantz cùng hàng nghìn người hâm mộ STALKER trên Twitter, Reddit phản đối yếu tố blockchain trong phiên bản tiếp theo. Những người này cho rằng việc tích hợp NFT chỉ là cách kiếm thêm tiền từ người chơi của nhà phát hành. Phản ứng dữ dội từ cộng đồng khiến GSC buộc phải từ bỏ kế hoạch nêu trên.

“Nhà phát hành lợi dụng sự nổi tiếng của trò chơi để thu lời. Họ hành động vì lợi nhuận chứ không phải một trò chơi chất lượng”, Chiristian Lantz, hiện sống ở Ontario, Mỹ nói với New York Times.

Không còn lòng tin vào nhà phát hành

Trong năm 2021, giá của các đồng tiền số tăng “ngất ngưởng”. Bitcoin, Ethereum liên tục lập đỉnh mới. Các loại tài sản dựa trên tiền mã hóa như NFT dần phổ biến và tạo dựng được thành công. Jack Dorsey, nhà sáng lập Twitter đã đổi tên một trong những công ty mình điều hành thành Block để vinh danh blockchain.

Cựu đệ nhất phu nhân Mỹ, Melania Trump cũng phát hành và bán đấu giá NFT của bản thân. Những người ủng hộ trào lưu này kỳ vọng blockchain sẽ cách mạng hóa thế giới, từ tài chính, truyền thông đến xã hội, nghệ thuật.

9785ad8f5e7c2b77790bdb884df355bc5cfd853a[1].jpg

Axie Infinity giúp nhiều người kiếm được tiền trong giai đoạn dịch bệnh. Ảnh: Bloomberg.​

Nhưng đối với một số người, cơn sốt tiền số đã đi quá xa. Họ nghi ngờ rằng hệ thống tiền mã hóa là một kế hoạch đa cấp kỹ thuật số với giá trị bị bơm thổi. Nghi ngại về tiền số bị đặt ra bởi định nghĩa có phần lỏng lẻo của nó cùng ứng dụng thực tiễn trong cuộc sống.

Đồng thời, New York Times gọi cộng đồng game thủ là nơi bất hạnh nhất. Người chơi phải đấu tranh hàng ngày về tiền mã hóa với các hãng game lớn như Ubisoft, Square Enix hay Zynga. Tính đến lúc này, ưu thế thuộc về người chơi trong nhiều cuộc đối đầu.

“Họ chỉ kinh doanh theo xu hướng. Những người thúc đẩy NFT trong trò chơi đang tìm cách lừa đảo”, Mutahar Anas, YouTuber về game với hơn 3 triệu người đăng ký chia sẻ.

Trong những tháng gần đây, nhiều hãng game tiết lộ kế hoạch tích hợp NFT vào trò chơi của mình. Nhà phát hành cho rằng điều này cung cấp cho game thủ lựa chọn mặt hàng độc đáo và làm phong phú thêm lượng NFT kinh doanh trên thị trường.

Theo các nhà phát triển, trong tương lai, NFT có thể được thiết kế để di chuyển giữa các trò chơi. Điều này đồng nghĩa với việc một vật phẩm có thể ảnh hưởng đến nhiều tựa game.

Nhưng đối với giới game thủ, đó không khác gì một chiêu trò moi tiền trắng trợn của nhà phát hành.

Matt Kee, 22 tuổi, bày tỏ sự phẫn nộ khi Square Enix cho biết họ đang đẩy mạnh NFT vào game Kingdom Hearts. “Tôi chẳng thấy ai đề cập đến việc điều này có lợi gì cho người chơi, cải thiện điều gì. Họ luôn nói về khả năng sinh lời của chúng”, Matt chia sẻ.

Phần lớn sự phẫn nộ bắt nguồn từ những giao dịch vi mô (micro transaction) trong trò chơi. Những năm qua, nhà sản xuất đã tìm cách thu lợi bằng các yêu cầu nâng cấp nhân vật, chế độ chơi, ngay cả khi khách hàng đã trả 60 USD để mua game.

1642340979252.png

Một trong những vụ việc nổi tiếng nhất là nhà phát triển Elder Scrolls IV: Oblivion bắt người dùng trả thêm 2,5 USD cho áo giáp của con ngựa mà nhân vật cưỡi.

“Chỉ vài USD thôi, nhưng tôi vẫn tự hỏi rằng tại sao họ không trang bị sẵn giáp cho ngựa. Tại sao tôi phải trả tiền cho nó”, Eric Hild, 31 tuổi, người sản xuất bia ở Iowa, Mỹ nói với New York Times.

Theo Merritt K, lập trình viên tại FanByte, mức độ phản kháng ngày càng mạnh mẽ của game thủ là bởi sự tràn lan của vấn nạn giao dịch vi mô. Vì vậy, khi nhà sản xuất giới thiệu thêm NFT, một yếu tố đậm chất mua bán, người chơi không thể chấp nhận.

Phản ứng mạnh mẽ khiến công ty game chùn bước

Sự phẫn nộ từ cộng đồng đã làm chao đảo các doanh nghiệp trò chơi điện tử. Vào tháng 12/2021, Sega Sammy, nhà phát triển Sonic the Hedgehog đã thể hiện sự dè dặt về kế hoạch tích hợp NFT sau phản ứng tiêu cực của người dùng.

Unisoft, công ty Pháp đứng sau Assasin’s Creed nói rằng họ đã đánh giá sai về mức độ không hài lòng của khách hàng khi công bố một chương trình NFT vào tháng trước. Hơn 90% người xem dislike video trên YouTube giới thiệu kế hoạch trên của công ty.

aaggfgg[1].jpg

Ubisoft, Square Enix nhận phải phản ứng tiêu cực từ cộng đồng. Ảnh: Square Enix.​

“Có thể chúng tôi đã đánh giá thấp mức độ phản ứng tiêu cực có thể xảy ra”, Nicolas Pouard, Phó chủ tịch Ubisoft, người đứng đầu sáng kiến blockchain của công ty Pháp cho biết.

Những nhà phát hành game cho rằng kế hoạch ra mắt NFT không được thúc đẩy bởi lợi nhuận. Họ cho biết NFT mang đến cho người hâm mộ thứ gì đó thú vị để sưu tầm và có thể kiếm tiền bằng cách bán tài sản số.

“Đó thực sự là vì cộng đồng. Chúng tôi tin tưởng vào việc mang đến cho mọi người cơ hội chơi game kiếm tiền”, Matt Wolf, Giám đốc Điều hành Zynga, công ty trò chơi điện tử tích hợp blockchain cho biết.

Sự phát triển của tiền số trong các trò chơi gây được sự chú ý trong những năm qua. Một số công ty xây dựng game trên blockchain, giúp người chơi thu thập tài sản kỹ thuật số và chứng minh sở hữu. CryptoKitties là trò chơi tạo được tiếng vang vào năm 2017. Một chú mèo ảo trong game được bán với giá 100.000 USD. Giữa giai đoạn đại dịch, các trò chơi dựa trên blockchain như Axie Infinity giúp nhiều người có thêm thu nhập.

GameFi gây chia rẽ nền công nghiệp trò chơi điện tử

Các hãng game lớn đang cố gắng tham gia vào cuộc chơi này, mặc dù kế hoạch với tiền số của họ vẫn khá mơ hồ.

Ubisoft là nhà sản xuất lớn đầu tiên lấn sân sang lĩnh vực tiền mã hóa. Tháng 12/2021, họ công bố sáng kiến Ubisoft Quartz, giới thiệu bộ 3 NFT dưới dạng thiết bị kỹ thuật số gồm mũ và súng. Các NFT này được cung cấp miễn phí trong Ghost Recon Breakpoint khi người chơi đạt một cấp độ nhất định. Công ty cho biết người chơi có thể giữ các vật phẩm này hoặc rao bán.

playtoearn[1].jpg

Bên cạnh những người ủng hộ, một số công ty game nói không với NFT. Ảnh: Coinmarketcap.​

Cho đến nay, 10.000 địa chỉ ví kỹ thuật số đã được liên kết với nền tảng Quartz dù Ubisoft chỉ cho khai thác 3.000 NFT trong đợt đầu.

Ông Pouard cho biết Ubisoft có kế hoạch cắt giảm doanh số bán các NFT trong tương lai. “Chúng tôi đang chuyển mô hình kinh doanh chỉ tập trung vào trò chơi sang hệ sinh thái, nơi mọi người là một cá thể liên quan”, phó chủ tịch Ubisoft nói.

Zynga, sắp được thâu tóm bởi Take-Two đã thuê Wolf, một chuyên gia của ngành trò chơi để phát triển GameFi vào tháng 11/2021. Mục tiêu của công ty là phát triển các trò chơi mới trên nền tảng blockchain, để người dùng dễ dàng mua bán NFT.

Các công ty game khác cũng đang lấn sân sang lĩnh vực NFT, quảng cáo về cách tiền số khiến nhiều người trở nên giàu có. Tháng một, Yosuke Matsuda, Chủ tịch Square Enix cho biết việc tạo ra các game blockchain sẽ giúp người chơi kiếm tiền. Nó sẽ trở thành lĩnh vực chiến lược của công ty trong tương lai.

Nhưng khi số NFT được phát hành từ các công ty game ngày càng lớn, người chơi càng khó chịu.

Ngoài ra, có một số doanh nghiệp đã đứng lên chống lại GameFi. Phil Spencer, người đứng đầu bộ phận Xbox của Microsoft nói với Axios vào tháng 11/2021 rằng trò chơi kiếm tiền là một hình thức “bóc lột” và chúng sẽ không xuất hiện trên cửa hàng Xbox.

Valve, công ty sở hữu Steam cũng đã cập nhật các quy tắc của mình vào mùa thu năm ngoái để cấm các trò chơi blockchain, cho phép trao đổi tiền điện tử hoặc NFT. Đồng thời, Tim Sweeney, Giám đốc Điều hành Epic Games, công ty đứng sau Fortnite cho biết hãng sẽ tránh xa NFT trong các trò chơi của mình.

“Mặc dù tôi lạc quan rằng có nhiều điều thú vị đang diễn ra trong thế giới blockchain. Nhưng nó cũng tồn tại nhiều vấn đề”, Jason Cintron, Giám đốc Điều hành của Discord nói trong một buổi phỏng vấn.

Theo zingnews​
 

Attachments

  • Wireless_Controller_2[1].jpg
    Wireless_Controller_2[1].jpg
    94.4 KB · Views: 1,164

Announcements

Forum statistics

Threads
427,548
Messages
7,212,080
Members
179,804
Latest member
P12102003

Most discussed of week

Most discussed of week

Back
Top Bottom